Hợp chất Lưu_huỳnh

Sulfua hiđrô có mùi đặc trưng của trứng thối. Khi hòa tan trong nước nó có tính axít và phản ứng với nhiều kim loại để tạo ra các sulfua kim loại. Các sulfua kim loại khá phổ biến, đặc biệt là của sắt. Sulfua sắt còn được gọi là pyrit cũng như khoáng sản màu vàng. Một điều thú vị là pyrit có các tính chất bán dẫn . Galen là sulfua chì tự nhiên, là chất bán dẫn đầu tiên được phát hiện và nó đã từng được dùng làm bộ chỉnh lưu tín hiệu trong các "râu mèo" của các radio tinh thể đầu tiên.

Nhiều hợp chất hữu cơ của lưu huỳnh với mùi khó ngửi như các êtyl và mêtyl mecaptan được dùng làm chất tạo mùi cho khí đốt nhằm dễ dàng phát hiện rò rỉ. Mùi của tỏi và "mùi hôi như chồn hôi" cũng do các hợp chất hữu cơ chứa lưu huỳnh gây ra. Tuy nhiên, không phải mọi hợp chất hữu cơ chứa lưu huỳnh đều có mùi khó ngửi, chẳng hạn, terpen-một hợp chất chứa lưu huỳnh là tác nhân tạo ra mùi thơm đặc trưng của quả bưởi chùm.

Nitrua lưu huỳnh polyme hóa có các tính chất của kim loại mặc dù nó không chứa bất kỳ một nguyên tử kim loại nào. Hợp chất này cũng có các tính chất điện và quang học bất thường. Polyme này có thể tạo ra từ têtranitrua têtra lưu huỳnh S4N4.

Các hợp chất quan trọng khác của lưu huỳnh còn có:

Vô cơ:

  • Các sulfua (S2-) là các hợp chất đơn giản nhất của lưu huỳnh với các nguyên tố hóa học khác.
  • Các sulfit (SO32-), các muối của axít sulfurơ, H2SO3, được tạo ra bằng cách hòa tan SO2 trong nước. Axít sulfurơ và các sulfit tương ứng là các chất khử tương đối mạnh. Các hợp chất dẫn xuất khác từ SO2 còn có các ion pyrosulfit hay mêtabisulfit (S2O52−).
  • Các sulfat (SO42-), các muối của axít sulfuric. Axít sulfuric cũng phản ứng với SO3 trong các tỷ lệ đẳng phân tử gam để tạo ra axít pyrosulfuric (H2S2O7).
  • Các thiôsulfat (đôi khi được gọi là thiôsulfit hay "hyposulfit") (S2O32−)- như thiôsulfat natri được dùng như các chất cố định trong nhiếp ảnh (trong vai trò của các chất khử) và thiôsulfat amôni đã được phát hiện như là chất thay thế cho các xyanua trong lọc quặng vàng .
  • Đithiônit natri, Na2S2O4 tạo ra từ axít hyposulfurơ/đithiônơ - là một chất khử mạnh.
  • Đithiônat natri (Na2S2O6)
  • Các axít polythiônic (H2SnO6), trong đó n dao động từ 3 đến 80.
  • Axít perôxymônôsulfuric (H2SO5) và axít perôxyđisulfuric (H2S2O8)-được điều chế từ phản ứng của SO3 hay H2SO4 với H2O2 đậm đặc một cách tương ứng.
  • Các polisulfua natri (Na2Sx)
  • Hexaflorua lưu huỳnh, SF6, một tác nhân đẩy nặng, dạng khí, không phản ứng và không độc
  • Têtranitrua têtra lưu huỳnh S4N4.
  • Các thiôxyanat là các hợp chất chứa ion thiôxyanat, SCN-. Liên quan đến các ion này là thiôxyanôgen, (SCN)2.

Hữu cơ:

  • đimêtyl sulfôniôprôpiônat (DMSP; (CH3)2S+CH2CH2COO-) là thành phần trung tâm của chu trình lưu huỳnh hữu cơ trong đại dương.
  • Các thiôête là các phân tử với công thức tổng quát dạng R-S-R′, trong đó R và R′ là các nhóm hữu cơ. Các chất này là sự tương đương của các ête (lưu huỳnh thay thế ôxy).
  • Các thiol (hay mecaptan) là các phân tử với nhóm chức -SH. Chúng là các chất tương đương với rượu (lưu huỳnh thay thế ôxy).
  • Các thiolat có nhóm chức -S- gắn vào. Chúng là các chất tương đương của các ankôxít (lưu huỳnh thay thế ôxy).
  • Sulfôxít là các phân tử với nhóm chức R-S(=O)-R′, trong đó R và R′ là các nhóm hữu cơ. Một chất phổ biến trong số các sulfôxít là DMSO.
  • Sulfon là các phân tử với nhóm chức R-S(=O)-R′, trong đó R và R′ là các nhóm hữu cơ.
  • Thuốc thử Lawesson là thuốc thử hóa học có thể lấy ôxy từ các chất hữu cơ khác và thay nó bằng lưu huỳnh.
  • Naptalen-1,8-điyl 1,3,2,4-đithiađiphốtphetan 2,4-đisulfua